Giới thiệu về bánh đậu xanh hải dương


Mỗi khi nhắc đến đặc sản miền Bắc, người ta không thể không nghĩ ngay về bánh đậu xanh Hải Dương. Bao lâu nay, qua từng ấy năm tháng, qua những thăng trầm, từng ấy đổi thay bánh đậu xanh Hải Dương trong lòng mỗi người vẫn giữ được sự yêu mến nhất định. Vẫn là món quà trao tay nhau ngày lễ Tết, vẫn là lựa chọn của mỗi du khách khi ghé thăm mảnh đất quê hương, vẫn là thức nhâm nhi bên ly trà xanh, vẫn là nỗi nhớ của những người con xa quê.

Ý nghĩa hình rồng vàng
Theo truyền thuyết được truyền lại, trong một lần vua Bảo Đại kinh lý qua Trấn Hải Dương, đã được người dân xứ này dâng lên một loại bánh được làm từ đỗ xanh. Nhà Vua ăn thấy rất ngon và hết lời khen ngợi bởi hương vị nhẹ nhàng, thanh ngọt, mịn và đặc biệt khi uống kèm trà thì vô cùng tuyệt vời. Sau khi về cung, Vua Bảo Đại đã ban sắc lệnh ngợi khen bánh Đậu xanh Hải Dương. Trên sắc có in hình “Rồng Vàng” – biểu tượng Uy quyền của vua. Từ đó đến nay, trên vỏ hộp của bánh đậu có hình rồng vàng là vậy.

Tại sao bánh đậu xanh Hải Dương lại ngon hơn hết?
Bánh đậu xanh Hải Dương được làm từ bột đậu xanh, đường, dầu ăn và tinh dầu hoa bưởi. Các nguyên liệu này đều được chọn lọc cẩn thận và chế biến theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Giúp đảm bảo hương vị nguyên chất của bánh. Bánh đậu thường được thưởng thức khi dùng với nước chè. Sẽ tạo nên hương vị đậm đà, thanh ngọt, khiến cho người ăn có cảm giác thư thái.

Để tạo nên những chiếc bánh đậu thơm ngon, người làm phải chọn được loại đỗ xanh chất lượng, hạt mẩy, đều, bên trong vỏ có màu vàng. Ngày nay, khi sản xuất với số lượng lớn, người làm bánh phải chọn mua đỗ từ vùng Chí Linh, Hải Dương hoặc từ các tỉnh ngoài như Bắc Ninh, đôi khi tận Gia Lai, Kon Tum.
Trước đây, đậu xanh phải rửa ít nhất 3 lần nước sạch, đổ vào nồi đun sôi kỹ, để nguội rồi mới cho vào chảo rang chín. Ngày nay, những công đoạn này đều được làm bằng máy móc công nghiệp, giúp rút ngắn thời gian sản xuất.

Theo ông Nguyễn Đình Giang, một người làm bánh đậu xanh tại Hải Dương, rang là khâu quan trọng để tạo nên những chiếc bánh thơm ngon. Bởi, nếu rang cháy bánh sẽ bị khét, rang chưa tới thì đậu có mùi ngái. Đậu xanh sau khi rang được ủ một ngày rồi mới đưa ra tách vỏ và xay thành bột.

Bên cạnh đậu xanh, người làm bánh cần thêm nguyên liệu là đường và dầu ăn để phối trộn với bột. Sau khi trộn, bột bánh được đưa ra ngoài ủ trong vòng 8-24 tiếng để đường, dầu và bột đậu hòa quyện với nhau rồi mới đưa ra máy cán. Theo ông Giang, làm như vậy bánh giúp tơi xốp và tan nhanh trong miệng khi ăn.

Bột đậu xanh sau khi phối trộn được công nhân dùng khuôn bánh định hình rồi gói lại trong lớp giấy bạc. Đây là công đoạn được làm thủ công bằng tay bởi nó đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận.

Theo người làm bánh, cái quý và độc đáo của sản phẩm nằm ở những công đoạn tỉ mỉ như đỗ rang vàng đều, bột xay mịn. Trước kia, bánh đậu không được gói trong giấy bạc, nhưng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển đi xa mà người làm nghĩ ra cách này để chống ẩm và bảo quản bánh được lâu hơn.

Bánh đậu Hải Dương, món quà đậm đà hương vị
Bánh đậu xuất hiện chính xác từ bao giờ thì không mấy người biết được nhưng thói quen mua bánh đậu về làm quà mỗi khi có dịp đến Hải Dương thì đã tồn tại từ lâu.
Bánh đậu xanh Hải Dương nổi tiếng khắp đất nước bởi khi ăn bánh có vị ngọt thanh, vừa bỏ vào miệng là tan biến ngay nhưng người ăn vẫn kịp thưởng thức thưởng thức được vị ngọt, chút béo và hương thơm thoang thoảng mùi hương hoa bưởi và mùi đỗ xanh, khiến người ăn bất giác mà tiếp tục mở những miếng bánh khác ra thưởng thức.

Những người con xa xứ đều nhớ mãi, khó có thể quên được hương vị đặc trưng của bánh đậu xanh. Chính vì thế nên nếu dịp ghé qua Hải Dương, bất kỳ ai cũng phải nếm thử chút hương vị này hay mua về làm quà.

Hiện nay, TP. Hải Dương có khoảng 50 cơ sở làm bánh đậu, cho sản lượng khoảng 13.000 tấn mỗi năm. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, châu Âu.