Bánh đậu xanh là đặc sản của tỉnh Hải Dương. Để tạo nên những chiếc bánh đậu xanh thơm ngon, người làm phải chọn được loại đậu xanh chất lượng, hạt mẩy, đều, bên trong vỏ có màu vàng. Ngày nay, khi sản xuất với số lượng lớn, người làm bánh phải chọn mua đậu xanh từ vùng Chí Linh, Hải Dương hoặc từ các tỉnh ngoài như Bắc Ninh, đôi khi tận Gia Lai, Kon Tum.
Rang là khâu quan trọng để tạo nên những chiếc bánh thơm ngon. Nếu rang cháy bánh sẽ bị khét, rang chưa tới thì đậu có mùi ngái. Đậu xanh sau khi rang được ủ một ngày rồi mới đưa ra tách vỏ và xay thành bột.
Bên cạnh đậu xanh, người làm bánh cần thêm nguyên liệu là đường và dầu ăn để phối trộn với bột. Sau khi trộn, bột bánh được đưa ra ngoài ủ trong vòng 8-24 tiếng để đường, dầu và bột đậu hòa quyện với nhau rồi mới đưa ra máy cán. Làm như vậy bánh giúp tơi xốp và tan nhanh trong miệng khi ăn.
Bột đậu xanh sau khi phối trộn được công nhân dùng khuôn bánh định hình rồi gói lại trong lớp giấy bạc. Đây là công đoạn được làm thủ công bằng tay bởi nó đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận.
Cái quý và độc đáo của sản phẩm nằm ở công đoạn rang đỗ vàng đều, bột xay mịn. Trước kia, bánh đậu xanh không được gói trong giấy bạc, nhưng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển đi xa mà người làm nghĩ ra cách này để chống ẩm và bảo quản bánh được lâu hơn.
Hiện nay, thành phố Hải Dương có khoảng 40 cơ sở làm bánh đậu xanh, cho sản lượng khoảng 13.000 tấn mỗi năm. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, châu Âu.
Ngoài bánh đậu xanh, Hải Dương còn nổi tiếng bởi món bánh dày Gia Lộc, bánh gai Ninh Giang, vải thiều Thanh Hà, rươi Tứ Kỳ, bánh đa gấc Kẻ Sặt..